Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Giữ “lượng”, tăng “chất”

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Giữ “lượng”, tăng “chất” [14/02/2012 ]

Do đó, năm 2012, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Cao Đức Phát, nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp đặt ra là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

Hiệu quả chưa cao

 

Từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng giá trị sản xuất của nông nghiệp nước ta bình quân đạt gần 5,36%/năm, GDP tăng 3,7%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT;, về cơ bản nông nghiệp vẫn chưa có sự thay đổi về chất, tăng trưởng kém bền vững và khả năng cạnh tranh thấp. Điều đáng bàn là tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần, từ 4%/năm trong giai đoạn 1995 - 2000 xuống còn 3,83%/năm giai đoạn 2001 - 2005 và 3,3%/năm giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm, từ 66,35% năm 2000 xuống 58,8% năm 2010 (theo giá thực tế).

 

"Sản lượng lúa, lợn, gà tăng mạnh nhưng thu nhập của người dân lại tăng chậm. Tất cả những gì chúng ta làm là đem lại lợi ích cho người nông dân nhưng thực tế hiệu quả sản xuất không cao" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Cao Đức Phát lo ngại. Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp của nước ta hiện còn thấp; kết cấu hạ tầng và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản còn kém phát triển nên chất lượng không cao, nhất là rau quả, sản phẩm chăn nuôi; phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng nhỏ, chưa có thương hiệu; chỉ số cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình của thế giới.

 

Cùng với đó, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Sản xuất nông nghiệp vẫn nặng về trồng trọt, chiếm tỷ trọng tới 73%, trong khi chăn nuôi và dịch vụ mới chỉ chiếm 27%. Kết cấu kinh tế nông thôn vẫn chủ yếu là thuần nông, các hoạt động phi nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa đủ sức thu hút tạo việc làm để thúc đẩy chuyển dịch lao động. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tài nguyên bị khai thác quá giới hạn cho phép đang ngày càng gia tăng…

 

Ưu tiên thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp

 

Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên, Bộ NN&PTNT; vừa xây dựng dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu đặt ra là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, hướng tới đưa nước ta trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành từ 2,6 - 3%/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

 

Năm 2012, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng vào các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong đó, thủy sản là mặt hàng vẫn còn nhiều tiềm năng và đem lại giá trị gia tăng cao. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt tới 6,1 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho hay, cùng với các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, trong năm 2012, Tổng cục sẽ đề nghị Bộ và Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức lại ngành khai thác cá ngừ đại dương bởi đây là một mặt hàng đang cho giá trị tương đối lớn.

 

Để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, vấn đề phát triển công nghệ chế biến cũng cần được quan tâm. Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu ví dụ, cùng là sản phẩm sữa tươi, giá bán tại gốc của người dân không cao nhưng khi được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau lại có giá gấp hàng chục lần. Hay như cà phê, tổng số tiền giao dịch cà phê trên thị trường thế giới khoảng 100 tỷ USD/năm nhưng phần thuộc về những người trồng chỉ được 20 tỷ USD, 80 tỷ USD còn lại thuộc về chế biến. "Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, tại sao chúng ta không thể tham gia vào thị phần 80 tỷ USD đó?" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

 

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp xác định nhóm cây trồng có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn là lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, sắn; nhóm cây có tiềm năng là rau, hoa, cây ăn quả; trong thủy sản là tôm, cá tra, nhuyễn thể; trong chăn nuôi là gia cầm, lợn và bò sữa.

 

Theo baomoi

Các bài viết liên quan